3.5.15

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 03.05.2015   

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Triết gia Trần Đức Thảo trước khi qua đời đã để lại cho hậu thế nhiều tâm sự về trải nghiệm trực tiếp của ông trong chế độ cộng sản Việt Nam. Những tâm sự quí giá đó đã được nhà văn Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê chép lại trong cuốn sách mang tên "Trần Đức Thảo - những lời trăng trối". Đây là cuốn sách đang thu hút rất nhiều độc giả Việt Nam tại cả hải ngoại lẫn quốc nội khiến cho giới làm sách "chui" ngay tại Việt Nam cũng đã tiếp tay in ấn, phổ biến bất chấp đây là một cuốn sách cấm.
Trong các chuyên mục tới đây, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số nội dung của cuốn sách giá trị này tới quí vị, quí bạn.
Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi chỉ đề cập tới một nhận xét rất nhỏ của triết gia Trần Đức Thảo, đó là giới lãnh đạo cộng sản chỉ sử dụng những trí thức danh tiếng hòng tô điểm, giấu bớt đi bản chất độc tài của chế độ, làm lóa mắt những người nhẹ dạ, cả tin.
Thủ đoạn lừa mị vừa nói vẫn tiếp tục được giới cầm quyền hiện hành sử dụng và trong một chừng mực vẫn làm nhiều người ngộ nhận.
Như chúng ta đã đề cập trong một chuyên mục trước đây, ngay trước Đại hội XI dư luận trong các cán bộ cộng sản lâu năm tại Hà Nội, Sài Gòn rất chú ý tới việc ai sẽ là người nắm giữ chức ngoại trưởng sau khi Phạm Gia Khiêm về hưu. Đa phần dư luận tiến bộ lúc đó đều muốn chức ngoại trưởng cần phải trao vào tay một người có đầu óc thân phương Tây để chính sách ngoại giao bớt đi sự nhu nhược, lệ thuộc vào Trung Cộng như đã diễn ra suốt nhiều năm trước đó. Với quan điểm như vậy, Phạm Bình Minh đã nổi lên là một ứng cử viên nặng kí nhất. Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, là con trai cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch của chính quyền cộng sản, người có quan điểm khá cứng rắn với Trung Cộng khi tại vị, đặc biệt vào thời điểm trước và sau khi xảy ra Hội nghị Thành Đô năm 1990. Phạm Bình Minh tu nghiệp tại Hoa Kì, có nhiều kinh nghiệm ngoại giao tại các nước phương Tây như Anh, Hoa Kì trong nhiều năm trước khi giữ chức thứ trưởng ngoại giao thường trực vào năm 2007.
Giới lãnh đạo Trung Cộng cũng rất chú ý tới Phạm Bình Minh nhưng theo thâm ý ngược với các cán bộ cộng sản Việt Nam có tư tưởng cấp tiến. Trung Cộng không muốn một người như Phạm Bình Minh giữ chức ngoại trưởng Việt Nam là điều rất dễ hiểu vì vậy Trung Cộng đã chỉ đạo và gây áp lực lên giới lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam không được để Phạm Bình Minh giữ vị trí lãnh đạo nghành ngoại giao. Tuy nhiên, biết được ý đồ đó của Trung Cộng, các cán bộ cộng sản Việt Nam cấp tiến có ảnh hưởng cũng nỗ lực phối hợp để áp lực lên giới lãnh đạo cộng sản con cháu của họ phải để cho Phạm Bình Minh ngồi vào ghế "Bộ trưởng Ngoại giao".
Kết quả cuối cùng như chúng ta thấy Phạm Bình Minh đã được nắm chức "Bộ trưởng Ngoại giao" kể từ tháng 08 năm 2011. Nhưng khác với ngoại trưởng tiền nhiệm, chức ngoại trưởng của Phạm Bình Minh không còn được là ủy viên Bộ Chính trị nữa.
Kể từ khi một trí thức trẻ "Tây học" và là con nhà nòi ngoại giao có tư tưởng không thân Trung Cộng như Phạm Bình Minh trở thành ngoại trưởng, gần như tất cả các cán bộ cộng sản lão thành còn tâm huyết với đất nước tỏ ra rất hài lòng và kỳ vọng sẽ được nhìn thấy một chính sách ngoại giao đối với Trung Cộng sẽ bớt đi sự nhu nhược và chính sách ngoại giao với Hoa Kì, phương Tây sẽ được tăng thêm độ chân thành, thân mật.
Nhưng suốt gần bốn năm qua kể từ khi Phạm Bình Minh trở thành ngoại trưởng Việt Nam, chúng ta đã được chứng kiến nghành ngoại giao Việt Nam không có thay đổi gì thực chất. Ngoại trừ một vài chuyến công du của Phạm Bình Minh tới Hoa kì để vận động bãi bỏ cấm vận vũ khí, Phạm Bình Minh và toàn nghành ngoại giao của chế độ cộng sản Việt Nam vẫn giữ y nguyên thái độ chư hầu, thuần phục Trung Cộng nhưng lại có thái độ trịch thượng, hằn học với phương Tây.
Chúng ta thấy rõ trong các sự kiện Trung Cộng gây hấn Việt Nam, từ vụ giàn khoan 981, sự kiện Vũng Áng cho tới các vụ bắt cướp ngư dân Việt Nam liên tục do Trung Cộng gây ra tại các vùng biển quanh Hoàng Sa, Trường Sa, giới chức ngoại giao Việt Nam cộng sản nói chung và bản thân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vẫn chỉ quanh quẩn phát lại một số ngôn từ yếu hèn như "yêu cầu", "đề nghị", "giao thiệp" trước tất cả các hành động xâm phạm chủ quyền cách ngang ngược của Trung Cộng. Ngành ngoại giao Việt Nam dưới lãnh đạo của Phạm Bình Minh chưa bao giờ dám tỏ một thái độ ngoại giao cứng rắn có tự trọng tương ứng với thái độ trịch thượng, coi thường của Trung Cộng, chưa bao giờ dám triệu tập đại sứ Trung Cộng để phản đối.
Thế nhưng, ngày 22 tháng Tư vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã vội vã ra ngay một tuyên bố phản bác một đạo luật của Quốc hội Canada vừa được thông qua nhằm ghi nhớ ngày 30 tháng Tư là ngày Hành trình đến Tự do của hàng trăm ngàn người Canada gốc Việt. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng triệu tập khẩn cấp Đại sứ Canada tại Hà Nội để phản đối. Toàn hệ thống truyền thông, báo chí, TV, Internet của nhà cầm quyền Việt Nam đồng loạt lên tiếng phụ họa một cách hằn học.
Những sự kiện ngoại giao tương phản oái ăm đó một lần nữa cho chúng ta thấy những trí thức "Tây học" như Phạm Bình Minh trong chính quyền hiện nay hoặc đã tha hóa trở thành một kẻ đồng lõa với chế độ độc tài hoặc đã bị sử dụng như một cây kiểng chỉ để trang trí cho một chế độ phản quốc.
Dian và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
03/05/2015



Xem Thêm Các Tin Khác