9.5.15

"Dự Thảo 4" "Luật tín ngưỡng, tôn giáo" là phản dân chủ




Thứ Sáu 08.05.2015 ---->   
Đảng CSVN vừa gửi đến các tổ chức tôn giáo bản dự thảo 4 về luật tín ngưỡng tôn giáo để góp ý, nhưng hầu hết các tôn giáo không hài lòng với bản dự thảo. Kính mời quí thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ vể sự kiện này qua lời trình bày của Hải Nguyên

Thưa quí thính giả,

Trên làn sóng phát thanh này, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo tại đất nước chúng ta, nhưng hôm nay phải trở lại một lần nữa, vì sự kiện bản dự thảo 4 luật tín ngưỡng, tôn giáo của đảng CSVN đang có chiều hướng tác động đến đời sống tinh thần của người dân nói chung và những người có tín ngưỡng tôn giáo nói riêng.

Trước hết, đa số người Việt Nam tin rằng con người có xác có hồn, có đời sống vật chất, và có đời sống tâm linh, sự kiện này đã được chứng minh qua nhiều thế hệ, dưới nhiều hình thái khác nhau, đã đan kết để dệt thành một bức tranh văn hóa tuyệt đẹp, truyền từ đời này sang đời khác của nước ta. Trong mỗi giai đoạn của lịch sử nước nhà, bức tranh tín ngưỡng tôn giáo ấy lại được làm giàu thêm, trang trí thêm vẻ mỹ miều của nó.

Dĩ nhiên ở đây không nói đến những hình thức mê tín dị đoan, những hủ tục trái với luật tự nhiên, và phản khoa học, vi đó không được coi là tôn giáo hay tín ngưỡng theo một định nghĩa thông thường.

Trong cuộc sống thực tế của con người, những giá trị tinh thần luôn giữ một vị trí quan trọng, quan trọng đến đỗi người ta có thể đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống để bảo vệ gía trị tinh thần của mình. Điều này đã và đang diễn ra khắp nơi, không cần phải chứng minh nữa.

Khi cộng sản ra đời, họ đã coi tôn giáo là thuốc phiện làm mê hoặc con người, làm cản trở bước tiến của họ, nên phải triệt hạ bằng mọi giá. Đảng CSVN vẫn xác định rằng họ quyết đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, dĩ nhiên họ phải tìm mọi cách triệt tiêu tôn giáo, đó là một khẳng định bất khả tương nghị. Vì vậy tất cả những toan tính, những kế hoạch từ khi CS nắm được chính quyền ở Miền Bắc năm 1955, và toàn cõi VN từ 1975 đến nay, thì mục tiêu xóa bỏ tôn giáo vẫn không hề thay đổi. Có chăng là thay đổi chiến thuật, áp dụng phương án mỗi lúc mỗi khác mà thôi.

Khi đất nước bị chia đôi, Miền Bắc do CS cai trị, năm 1955 Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL-TG về hoạt động tôn giáo. Thi hành sắc lệnh này đã có bao nhiêu chức sắc và tín đồ các tôn giáo phải vào tù, và bao nhiêu người đã chết trong các trại tù vì sắc lệnh này!.

Khi thống nhất đất nước, những chính sách tôn giáo ở Miền Bắc đã được áp dụng ở Miền Nam, nhưng trong bối cảnh mới của vùng đất mà người dân đã được hưởng tự do suốt 20 năm, thì buộc CS phải uyển chuyển hơn, nhưng cũng tinh vi và thâm độc hơn; bằng cách xâm nhập gây chia rẽ và phá hoại từ bên trong.

Một trong những thủ đoạn rất tinh vi là họ tìm kiếm mua chuộc những tu sĩ, chức sắc, những tín đồ có kiến thức, có uy tín trong các tôn giáo, nhưng thiếu lập trường, để đào tạo thành công cụ, cài cắm vào các tôn giáo để phục vụ cho đảng. Riêng trong Công Giáo, CS đã tuyển dụng một số giáo dân, đã một thời là tu sĩ, có kiến thức về Kinh Thánh và giáo lý, có khả năng ngoại ngữ gửi ra nước ngoài học, rồi trở về dùng kiến thức ấy giúp CS phá hoại Giáo Hội.

Khi không thể triệt tiêu được tôn giáo, thì CS tìm cách sử dụng tôn giáo như công cụ có lợi cho đảng, bằng cách quay sang ủng hộ, khuyến khích, hỗ trợ các sinh hoạt tôn giáo, biến các sinh hoạt tâm linh thành ra những sinh hoạt lễ hội rất rầm rộ linh đình; một khi những sinh hoạt tôn giáo, mà nặng hình thức trần tục, nó sẽ làm giảm thiểu hiệu quả tâm linh mà tôn giáo nhắm đến.

Nhìn bề ngoài, nhiều người lầm tưởng rằng CSVN tốt với các tôn giáo, khi cho phép xây cất rất nhiều chùa chiền, nhà thờ, thánh thất... mà không thấy rằng đó là một kế sách quỉ quyệt, họ đã tính toán rất kỹ, vừa làm hài lòng các lãnh đạo tôn giáo, nhất là những chức sắc dễ dàng thỏa hiệp, vừa có lợi cho đảng về mặt tuyên truyền, lại được lợi về tài chánh, do nguồn cung cấp từ những người ở nước ngoài gửi về.

Khi thế giới thay đổi, làn gió lốc toàn cầu hóa phá vỡ bức tường ngăn cách xã hội CS với thế giới bên ngoài, thì đảng CSVN qua Nghị quyết Đại hội Đảng lần IX năm 2001, và Nghị quyết số 25/NQ-TƯ ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, về công tác tôn giáo phải thay đổi. Từ đó dẫn tới cái Pháp Lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004, và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2004 đến nay.

Để thi hành những thủ đoạn kiểm soát và khống chế tôn giáo, đã đề ra trong các văn kiện trên, đảng phải lập ra một mạng lưới toàn quốc từ trung ương xuống đến địa phương, song song với hệ thống hành chánh, gọi là Ban Tôn Giáo Nhà Nước, ban này tuyển dụng và huấn luyện công an đặc trách tôn giáo và số lượng nhân viên khổng lồ, tất cả đều được trả lương bằng tiền thuế của người dân. Đây là sự phí phạm không cần thiết và hết sức phi lý, cần phải dẹp bỏ ngay.

Đứng trước sự trỗi dậy ý thức dân chủ của người dân cả nước mỗi lúc mỗi mạnh hơn, trong ấy tín đồ các tôn giáo giữ vị trí quyết định cho tương lai của đất nước, và số phận của đảng CSVN; vì lẽ ấy họ phải xiết chặt tôn giáo hơn nữa. Đó là lý do dự thảo 4 luật tín ngưỡng tôn giáo ra đời. Nội dung bản dự thảo mang tính chất "xin cho" và phản dân chủ quá lộ liễu, nên đã bị hầu hết các tôn giáo phản đối, tẩy chay. Điều này cho thấy các tôn giáo không còn kiên nhẫn chịu đựng thêm được nữa, và đó cũng là dấu chỉ cho niềm hy vọng tươi sáng hơn của Việt Nam.

Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

Lực Lượng Cứu Quốc.





Xem Thêm Các Tin Khác