4.1.16

Những ngôi "MỘ GIÓ", và những "GÓA PHỤ SỐNG"



Thứ Hai 04.01.2016   

Thưa quý thính giả, sống dưới chế độ cai trị tàn bạo của cộng sản Việt Nam, người dân luôn phải chịu những sự bắt bớ vô cớ và những tội danh oan ức mà nhà cầm quyền cộng sản đã gán ghép cho họ như "Tuyên truyền chống nhà nước". Luật sư Nguyễn Văn Đài là một trong những nạn nhân điển hình với kiểu bắt bớ hèn hạ này. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết "Những Ngôi "Mộ Gió" và những "Góa Phụ Sống" của Phương Bích, sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.

Tôi mới biết đến hai khái niệm này, chỉ về sự sống và cái chết của con người.

Sống chết là chuyện thường tình. Nhưng sống như thế nào, và chết như thế nào, mới là chuyện để nói. Hẳn ở đâu trên thế gian này cũng có những ngôi "MỘ GIÓ", và những "GÓA PHỤ SỐNG". Nhưng có lẽ ở Việt Nam, nó đặc biệt hơn khi cô đơn giữa những người còn sống? Mấy ai biết? Mấy ai quan tâm? Thậm chí có muốn quan tâm đến cũng khó khăn, nếu đó là vấn đề nhạy cảm.


Ở Việt Nam, từ nhạy cảm rất phong phú.

- Làm từ thiện cho những người nghèo ở vùng sâu vùng xa là vấn đề nhạy cảm. Người muốn nhận không dám nhận, người muốn trao không thể trao;

- Người chết oan khuất (chết khi bị tạm giữ trong đồn công an) cũng là vấn đề nhạy cảm, ai đến thăm hỏi kể cả luật sư, cũng bị đánh bầm dập;

- Người đi thăm kẻ mãn hạn tù về, bị chặn đường đánh cho te tua.

Vậy thì chuyện người muốn vạch ra những cái xấu của chế độ, lại nhạy cảm hơn bội phần. Toàn bộ hệ thống chính trị của chế độ này, từ cấp tổ dân phố trở lên, sẵn sàng biến mọi tiếng nói phản ánh hiện thực xã hội thành phản động, phải cô lập nó triệt để, hoặc bịt miệng bằng cách bỏ tù nó.

"Mộ gió" là những ngôi mộ không có hài cốt. Người đi biển không trở về, hoặc chết mất xác, được người thân lập mộ gió để thờ. Nó nhạy cảm vì liên quan đến biển, mà biển thì liên quan đến chủ quyền, bị thằng hàng xóm khốn nạn cướp.

"Góa phụ sống" có lẽ là vợ những người tù chính trị. Xưa là tù không xét xử. Nay là tù thường trực.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt ngày 6 tháng 3 năm 2007, với cáo buộc là "đào tạo về dân chủ và nhân quyền cho sinh viên ở Hà Nội và kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XII". Sau khi ra tù (năm 2011), Nguyễn Văn Đài chịu thêm 4 năm tù quản chế. Một lần nghe tin trên mạng, theo một lời mời từ sứ quán Mỹ, sứ quán sẽ cho xe đến đón luật sư Nguyễn Văn Đài để đảm bảo an toàn cho ông. Tôi có đến khu vực nhà luật sư Đài để quan sát, nhằm mục kích thái độ nhà cầm quyền trước "sự kiện" này như thế nào.

Không ngoài dự đoán, tất cả các thành phần từ hội phụ nữ cho đến dân phòng đã được huy động để nghênh đón. Mọi sự xuất hiện của người lạ trong khu vực đều bị soi mói và kiểm soát kỹ lưỡng. Tôi đồ chừng trong tất cả những người có mặt ở đó, chỉ có 4 người ngoài quan tâm đến sự kiện này (trong đó có tôi). Và tôi đã chứng kiến, 3 người kia bị các lực lượng chức năng đưa về công an phường ra sao.

Khi xe của sứ quán Mỹ đến, nhận thấy không khí khủng bố bao trùm khu vực, nên đã quay đầu xe đi thẳng. Tôi nhìn đám người xúm xít, lăng xăng, hể hả khi chiếc xe của sứ quán quay đầu, cảm thấy vừa buồn cười, vừa thương hại, vừa xấu hổ.

Nguyễn Văn Đài vừa mới hết hạn tù quản chế chưa đầy năm, lại tiếp tục bị bắt vào ngày 16/12/2015, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét, nhà nước chẳng qua là một bộ máy cầm quyền, hoặc do nhân dân bầu lên, hoặc do một tổ chức nào đó giành được (hay "cướp chính quyền" theo cách nói của chính họ). Bộ máy đó làm việc không hiệu quả thì bị chỉ trích, và nếu gây ra quá nhiều sai trái đưa đến thiệt hại nghiêm trọng cho dân và nước, thì sẽ bị lật xuống để thay bằng một bộ máy cầm quyền khác. Đó là sinh hoạt chính trị bình thường của một xã hội văn minh. Điều 88 của bộ luật hình sự, xác định hành vi "Tuyên truyền chống lại nhà nước" là phạm tội là hoàn toàn sai trái và phản dân chủ, cần phải dẹp bỏ.

Không ai quen được với vai trò "Góa phụ sống". Mặc dù đây là lần thứ 2 chồng bị bắt, nhưng vợ Nguyễn Văn Đài vẫn ngơ ngác như người mất hồn. Tôi đi cùng chị Lê Thị Minh Hà, vợ của blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đến gặp vợ Đài, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của vợ tù. Nhìn 2 người đàn bà, một trung niên, một trẻ, cô đơn trong căn phòng nhỏ, dặn dò nhau cách làm những món ăn để gửi vào cho chồng, tôi chỉ chực khóc. Tôi đang sống ở thời đại nào đây?

Tôi chia sẻ trên facebook:

Em lấy chồng bao nhiêu năm?

Thăm nuôi chồng (ở tù) bao nhiêu năm?

Và sẽ thăm nuôi chồng (ở tù) bao nhiêu năm nữa?

Thương Em!

Thù chúng nó!

Phương Bích