4.1.16

Bóng tối của đêm



Thứ Hai 04.01.2016   

Những thế lực kinh doanh mờ ám, hung ác luôn luôn dựa dẫm vào đồng tiền để mua sự đồng lõa của kẻ cầm quyền hắc ám hòng che dấu bưng bít lỗi lầm, dối trá của họ cũng như dùng cách đó để hãm hại bất cứ ai tố giác phanh phui ra dù đó là những sai lầm nguy hiểm có an nguy đến tính mạng người dân. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:" Bóng tối của đêm " của Nhạc sĩ Tuấn Khanh qua sự trình bày của Nguyên Khải.


Anh bạn có cái quán nước nho nhỏ ở tít vùng ngoại ô Sài Gòn, mới đây kể rằng có khách ghé vào, vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước: "cho cái gì uống đi, cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát".

Ở cái quán bé tẹo ấy, chưa có đến 5 cái bàn, khoảng hai tuần nay đã tiếp nhận loại thông điệp xã hội dân sự ấy không phải một lần rồi thôi. Đi xa hơn nữa, cũng có những người bán hàng đã bị lời nhắc của khách hàng làm thức tỉnh, về một dòng chảy đang lớn dần, trong việc không nên dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Thái độ từ chối của nguòi dân ngày càng lan rộng không phải vì tin tức các loại nước của công ty này bị cặn, bị lỗi, mà rõ là một cách bày tỏ rất quyết liệt: Không muốn chung sống cùng một xã hội với loại nhã nhiệu có cách cư xử khuất tất.

Trong lịch sử Việt Nam từ hơn 40 năm nay, người Việt chỉ chứng kiến hai lần phong trào tẩy chay hàng hoá ở mức độ toàn quốc. Đó là cuộc tẩy chay bột ngọt Vedan bởi vì nhà máy của công ty này làm ô nhiễm sông Thị Vãi, Đồng Nai vào năm 2010. Lúc đó, sự nổi giận của đám đông là vì số phận của một con song không nhỏ. Còn lần thứ hai này, người ta chứng kiến chiến dịch kêu gọi tẩy chay của toàn dân với một thương hiệu, bùng phát từ cách chà đạp số phận của một con người.

Xét về ý thức công dân và thái độ trách nhiệm xã hội, rõ ràng có một bước tiến lớn trong cái nhìn của đám đông. Sự kiện Vedan bắt nguồn từ các bài báo điều tra và mọi người dễ dàng cùng chung một trận tuyến đối diện với Vedan – mà sự sai lầm của công ty đã thấy rõ. Còn với sự kiện con ruồi của sản phẩm Tân Hiệp Phát, rõ ràng là người dân ngày càng tinh tế hơn, thấu đáo hơn, bất chấp sự kiện là công ty này đã âm mưu dàn ra một cái vỏ bọc án hình sự và một mặt trận bồi bút tìm mọi cách nói ngược nói xuôi theo chiều của đồng tiền xoay trở, khiến từng làm không ít người phân vân.

Chống lại những kẻ mạnh hơn mình và nhiều tiền của, luôn là đề tài chiến đấu muôn thuở của thế gian – như một sự thách thức cho sự thật và lẽ phải – mà kết quả không phải lúc nào cũng có hậu. Ngay cả cách dùng quyền lực thâm độc để nhấn chìm người mua hàng trong sự kiêu ngạo và tàn nhẫn của Tân Hiệp Phát, vẫn có những luật sư, bồi bút lên giọng bảo vệ kẻ ác trước những người từng khiếu nại sản phẩm hư hỏng của công ty này. Có ít nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp Phát đã lao đao, chết đứng chết ngồi trước khi tới lượt anh Võ Văn Minh (một người ở Đồng Nai và 2 người ở Tp.HCM), với cùng một thủ thuật. Từ năm 2011, công lý đã chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi, cho đến khi tin tức về các nạn nhân lan trên các trang mạng xã hội.

Không may mắn như Vedan, sự kiện Tân Hiệp Phát bẫy người tiêu dùng khám phá ra sản phẩm lỗi của mình, được ghi lại khá chi tiết trên Wikipedia, bách khoa toàn thư điện tử với đủ các chi tiết, bao gồm phương thức giải quyết khủng hoảng qua cách đổi tên công ty thành Number One.

"Giờ thì còn tệ hơn, công ty này nói phạt những nơi mua hàng của họ nếu nơi đó phát giác ra sản phẩm lỗi, lấy lý do là các nơi ấy bảo quản sản phẩm của họ không đúng", anh bạn có cái quán nhỏ tẹo ấy nói: "thôi giã từ luôn cho khỏi phiền". Chắc rồi Wikipedia sẽ có thêm tình tiết độc đáo này cho nhãn hiệu nước giải khát cung đình hoá học ấy, bởi việc tự rửa mặt qua cách gây hấn với khách hàng và người phân phối cho mình. Câu chuyện này chứng minh rõ một điều: rõ ràng là có nhiều tiền không có nghĩa là có thêm trí thông minh.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây là : một công ty có lối giải quyết khủng hoảng vừa quái gở, vừa ngu ngốc như vậy, dù mắc sai lầm từ nhiều năm nay, sao lại được ủng hộ tuyệt đối của báo chí, thậm chí của các quan chức khi họ hớn hở ra mặt để cùng nhịp bước đều?

Cây bút điều tra Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, mới đây có nhắc về một bài báo cũ, liên quan đến chuyện công ty Tân Hiệp Phát nhập hàng chục tấn "hoá chất cung đình" quá hạn từ năm 2009, nhưng rồi sau đó mọi thứ chìm dần một cách bí hiểm. Thậm chí một cán bộ C15 (Cục CSĐT về quản lý kinh tế thuộc Bộ Công An) đang theo sát vụ này đã "được" chuyển công tác về Cục phòng chống ma tuý.

Một cây viết điều tra khác, từng làm cho một tờ báo điện tử lớn, kể rằng anh cũng từng đưa bài nói về sự mờ ám của Tân Hiệp Phát vào năm 2009, có kèm cả tài liệu của công an C49 (Cục cảnh sát môi trường), thế nhưng những xếp lớn đã bỏ bài viết ấy, sau khi nhận lời mời một chuyến quan sát "hữu nghị" công ty Tân Hiệp Phát. Tất cả những gì cần báo động cho người dân cuối cùng đã được thay bằng tuyên bố vui vẻ của một xếp lớn tờ báo sau đó: "nhà máy to lắm, phải đi bằng ô tô mới hết".

Thấy được sự âm u của đêm là một chuyện, nhưng thấy được cả bóng tối của đêm thì không dễ. Con ruồi và bẫy rập thì không khó nhìn thấy nhưng trong bóng tối của đêm làm sao để thấy ai đã giao tặng cho luật sư Tân Hiệp Phát biên bản điều tra của công an với anh Võ Văn Minh, khi mà điều ấy là bất hợp pháp? Làm sao nhìn xuyên được qua bóng tối của đêm để hiểu được vì sao có những bài báo lên giọng nói tẩy chay không uống nước cung đình hoá học ấy là ngu dại! Bóng tối nào của đêm đã thừa sức nuôi dưỡng loại luật sư văng tục, tuyên bố trên trang mạnh cá nhân của mình rằng:" hàng triệu người Việt Nam có thể sẽ ngồi tù vì dám hưởng ứng phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát."

Tân Hiệp Phát lớn lên trên đất Việt, được nuôi lớn bằng sức mạnh tiêu thụ của người dân Việt. Nếu nơi đó không thể song hành cùng đồng bào mình để phát triển hoà bình và tương ái, mà lại âm mưu dựa dẫm vào bóng tối của thế lực và tiền của để chà đạp con người, thì chúng ta – những cá nhân nhỏ bé – sẽ phải cùng đứng lên để đòi hỏi một kết cục khác. Chúng ta không thể mong chờ một ai khác.

Tuấn Khanh