4.12.15

Cải cách giáo dục liệu có khai phóng được học sinh?



Thứ Sáu 04.12.2015   

Thưa quý thính giả, từ sau năm 1975 nền văn hóa giáo dục trong chế độ cộng sản càng ngày càng suy đồi. Ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần đưa ra đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhưng trên thực tế ngành giáo dục vẫn không thể tiến triển bởi những công việc ngoài xã hội không giống như ngành được đào tạo. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết "Cải Cách Giáo Dục Liệu Có Khai Phóng Được Học Sinh" của Hải Long, sẽ được Minh Nguyệt trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay.

Hồi tháng tư năm 2015, Thủ tướng Chính phủ csVN – ông Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với kinh phí và nguồn vốn do Nhà nước cấp là 778,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước đó một thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo là ông Nguyễn Vinh Hiển đã trình dự toán kinh phí lên Quốc Hội với con số hơn 34.000 tỷ đồng. Chỉ sau khi cánh báo chí cùng đông đảo công luận truy vấn gắt gao thì con số kia mới tụt xuống còn gần 800 tỷ đồng. Vậy còn con số chênh lệch khủng khiếp hơn 33.000 tỷ đồng kia đi nơi nào thì chính Bộ Giáo Dục – Đào Tạo cũng không trả lời được.

Việt Nam từng nhiều lần đổi mới sách giáo khoa, trong đó lần gần đây nhất là năm 2002.

Thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay mắc nhiều căn bệnh trầm trọng: chương trình không theo sát với thực tế, tụt hậu so với thế giới, tình trạng chạy trường, dạy thêm – học thêm không kiểm soát được.v.v. Từ đó dẫn đến tri thức của học sinh ngày càng tụt hậu, đạo đức xuống cấp, ngay cả đến tình trạng mua ghế - chạy trường của giới giáo viên cũng diễn ra bát nháo, không có cách nào giải quyết triệt để được.

Theo Đề án mới được phê duyệt, chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc là cách nói khác đi của bộ môn Giáo Dục Công Dân khô cứng, giáo điều, bắt học sinh phải yêu chế độ Cộng Sản, yêu Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Đề án đổi mới giáo dục kỳ này có điểm mới là thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Tức là Bộ Giáo dục sẽ soạn ra một chương trình chung, còn về sách giáo khoa thì cả Bộ giáo dục, các Nhà xuất bản lẫn các đơn vị tư nhân đều được quyền soạn. Tuy nhiên, những bộ sách này phải được duyệt trước khi cho phép lưu hành. Việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của nhà trường và được thực hiện công khai, minh bạch căn cứ điều kiện thực tiễn, có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh.

Ngành giáo dục là một ngành đặc biệt quan trọng, bởi nó đảm nhận việc đào tạo ra những thế hệ công dân tri thức, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng những thế, nhân cách, đạo đức của một con người lại được định hình từ những năm ngồi ghế nhà trường. Do đó, giáo dục cần phải khai phóng, lấy học sinh làm tâm điểm để phục vụ. Việc bắt buộc các bộ môn Giáo dục công dân, Lịch sử nhằm ca ngợi Đảng Cộng Sản, Chủ Nghĩa Xã Hội khiến tư duy các em bị nô dịch, không thể tự do sáng tạo được.

Ngoài ra, chương trình cũ không theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội khiến cho học sinh – sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, khiến các em thua thiệt so với thế giới, nhất là các kỹ năng ngoại ngữ, tin học.

Trong mười năm trở lại đây, các trường đại học tha hồ đặt ra những ngành đào tạo mới với những cái tên rất kêu nhằm thu hút sinh viên. Thế nhưng tới khi tìm hiểu kỹ chương trình thì người ta mới tá hỏa khi phát hiện ra ngành Việt Nam Học lại đào tạo các hướng dẫn viên du lịch. Hay những tên ngành nghe na ná như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quản trị kinh doanh nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Trồng trọt... khiến cho học sinh lẫn phụ huynh rối rắm, tù mù, không biết định hướng cho con em như thế nào. Rất nhiều sinh viên mới ra trường không xin được việc, đơn giản chỉ bởi những công việc ngoài xã hội không giống như ngành được đào tạo. Và sinh viên phải tự bơi, tự học thêm để phù hợp với công việc.

Cải cách giáo dục là một việc nên làm, nó cần phải được sự đóng góp của những nhà khoa học đầu ngành, các thế hệ nhà giáo, lẫn cả tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên.v.v. Thế nhưng, phải xác định rõ giáo dục là phải là giáo dục khai phóng, phải tách biệt với định hướng tuyên truyền. Có như thế, học sinh – sinh viên mới có thể trở thành một con người độc lập, tự do sáng tạo được.

Hải Long