6.11.14

Nga - Mỹ bắt bài nhau tại Ukraine

Báo Mỹ cho rằng, một khi Donetsk và Luhansk được hợp nhất, Putin sẽ đạt được mục tiêu chiến lược ở Ukraine.

Mỹ 'bắt bài'
Ngày 3/11, cơ quan bầu cử của Cộng hòa Nhân Dân Lugansk tự xưng và Cộng hòa Nhân Dân Donesk tự xưng đã công bố kết quả bầu hội đồng lập pháp và người đứng đầu tại hai vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine này.
Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ trích các cuộc bầu cử này khi xem đây là "chướng ngại vật mới" đối với hòa bình thì Nga lập tức công nhận kết quả bầu cử tại Lugansk và Donesk.
Bình luận về sự kiện này, tờ Washington Post của Mỹ ngày 3/11 cho rằng, Nga đã tiến thêm một bước quan trọng hướng tới việc dựng lên "một nhà nước bù nhìn" trên lãnh thổ Ukraine.
Tờ báo cho rằng, sau khi hứa sẽ tôn trọng chủ quyền của Ukraine (trừ Crimea), hiện nay Nga đang hỗ trợ các cuộc bầu cử "phản bội" và kêu gọi chính phủ Ukraine nên thương lượng với phe ly khai.
Trong khi đó có những dấu hiệu cho thấy Mátxcơva đang chuẩn bị cho những động thái mới "hung hăng" hơn ở miền Đông Ukraine.
Theo Washington Post, không khó đoán Putin đang nghĩ gì trong tâm trí. Thông thường việc tạo ra "một quốc gia nhỏ có chủ quyền" như Donetsk và Luhansk không dễ để duy trì, bởi nó thiếu các cảng khẩu, nguồn điện và không thể vào các sân bay chính của khu vực.
Vì vậy sau khi tuyên bố chiến thắng trong bầu cử ở "Cộng hòa nhân dân Donetsk", Alexander Zakharchenko đã lộ ý định sẽ đánh chiếm các cảng khẩu, sân bay ở Mariupol nằm dưới sự kiểm soát của quân chính phủ từ năm ngoái.
Người dân cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng tham gia bỏ phiếu. Ảnh: EPA
Người dân cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng tham gia bỏ phiếu. Ảnh: EPA
Việc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn khi đưa lực lượng quân sự vào miền Đông Ukraine là nhằm (giúp phe ly khai) đánh chiếm các sân bay ở Donetsk. Một khi Donetsk và Luhansk được hợp nhất, Putin sẽ đạt được mục tiêu chiến lược ở Ukraine, The Washington Post bình luận.
Cũng theo báo này, với việc kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Đông Ukraine, Mátxcơva có thể vĩnh viễn gây mất ổn định cho chính phủ Kiev và đảm bảo rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập Liên minh châu Âu. Đây cũng là chiến lược Putin đã theo đuổi ở Georgia và Moldova, nơi Nga đã tạo ra khái niệm "đóng băng xung đột" và duy trì trong nhiều thập kỷ.
Nga 'đọc vị' Mỹ
Trong khi Mỹ "bắt bài" những mưu tính của Nga trên đất Ukraine thì báo Nga, ngay từ những ngày đầu cũng tỏ ra am hiểu Mỹ toan tính gì khi can thiệp vào Ukraine.
Theo một bài phân tích hồi tháng 2/2014, trang quân sự Topwar của Nga chỉ rõ, một trong những lý do Mỹ can thiệp vào Ukraine là nhằm chứng minh rằng Nga là nước phi dân chủ, chà đạp nhân quyền, còn Mỹ mới là thiên đường.
Bài phân tích này dẫn nhiều thông tin chứng minh Washington đứng sau cuộc đảo chính chống lại chính quyền hợp pháp của ông Viktor Yanukovych, người được bầu làm Tổng thống năm 2010.
Trong đó, phải kể đến phát ngôn của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nucland trong một cuộc họp rằng, từ năm 1991, Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Ukraine, một trong những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược nhất đối với Mỹ nhưng không phải để xoá đói giảm nghèo. 
Tiếp đó, cuộc điện đàm (được cho là bị tình báo Nga nghe lén) giữa bà Nucland, người nổi tiếng với lập trường chống Nga, và Đại sứ Mỹ tại Kiev đã bị tiết lộ.
Trong cuộc nói chuyện, bà Nuland đã mạnh mẽ chỉ trích Liên minh châu Âu vì không thể lật đổ chính quyền Ukraine và thông báo về việc sẽ lợi dụng sự hiện diện của LHQ để thành lập nội các mới tại nước này.
Tác giả bài viết nhận định, kiểm soát Ukraine là mục tiêu chính của Mỹ. Những động thái can thiệp của Washington vào các vấn đề nội bộ của Ukraine là nhằm ngăn cản thành lập một Cộng đồng kinh tế Á Âu của Nga mà hạt nhân là Ukraine; kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Mátxcơva tại các khu vực từng thuộc lãnh thổ Liên Xô cũ, nhất là đối với khu vực Á - Âu và Trung Á; làm suy yếu Nga để nước này không thể chống lại Mỹ tại các khu vực tranh chấp khác; làm cho chính phủ Nga phải căng thẳng với suy nghĩ "Đòn đánh tiếp theo là ở đâu?".
Theo bài viết, đây cũng là động thái nhằm trả thù Putin vì không dẫn độ Edward Snowden, đồng thời làm gián đoạn Olympic Sochi và chứng minh rằng Nga là nước phi dân chủ, chà đạp nhân quyền, còn Mỹ mới là thiên đường - dù cho thực tế rằng chính quyền tại đây đã bắt đầu mục nát.
Bài viết cũng nhận định, việc Mỹ can thiệp vào Ukraine là nhằm củng cố vị thế của mình tại châu Âu mới trong tình hình các quốc gia phương Tây hiện đang không nghe theo yêu cầu của Washington, đồng thời ngăn cản việc thiết lập trục Berlin - Paris - Mátxcơva.
Cũng trong bài viết, tác giả phân tích rằng, để lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo của mình, Mỹ đã vạch ra nhiều kế hoạch.
Bài báo cho rằng, Mỹ cũng sẽ có một chính sách mới: Không có sự can thiệp nào và cũng không có một sự rủi ro đáng có nào; khai thác tối đa các lợi ích mà các vấn đề xã hội tồn tại trong khu vực mang lại cho Washington.
Dù có vẻ bắt bài nhau nhưng thực tế cho thấy dường như Nga đang dẫn trước Mỹ trong ván bài tại Ukraine.