19.1.16

Ý Nghĩa Trận Hải Chiến Hoàng Sa



Thứ Ba 19.01.2016   

Trận hải chiến Hoàng Sa là một biến cố quan trọng trong giòng sử Việt. Biến cố đã cho chúng ta những bài học gì? Mời quý thính giả theo dõi bài bình luận "Ý Nghĩa Trận Hải Chiến Hoàng Sa" của Đoàn Khôi, do Song Thập trình bày.


Ngày này, 42 năm trước, các chiến sĩ Hải Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã khai chiến chống quân Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa. Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra vào 10 giờ 30 sáng và kết thúc không lâu sau đó. Hai bên đều chịu những tổn thất nặng về chiến cụ và nhân mạng.

Trước lực lượng tiếp viện đông đảo của Trung Cộng, kể cả phi cơ chiến đấu cất cánh từ đảo Hải Nam, các chiến hạm Việt Nam phải rút lui. 74 chiến sĩ Hải Quân VN đã hy sinh, trong đó có Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tuẫn tiết theo Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10.

Đây là một trận chiến bất cân xứng. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vốn đã rất khiêm nhường về số lượng so với HQ Trung cộng, lại còn phải dồn phần lớn lực lượng để ngăn chận quân Cộng Sản Bắc Việt đang đẩy mạnh công cuộc chiếm đọat Miền Nam bằng vũ lực. Thêm nữa, lực lượng Hải Quân nói riêng và quân lực VNCH nói chung, còn lâm vào tình trạng thiếu hụt vũ khí, quân trang, quân dụng vì Hoa Kỳ đã giải kết tại Việt Nam.

Về phía Trung cộng, lợi dụng cơ hội Việt Nam suy yếu, và nhất là sự nhắm mắt làm ngơ của Hoa Kỳ, đã tiến hành việc chiếm đoạt Hoàng Sa. Kế hoạch này đã được nghiên cứu, chuẩn bị quy mô từ cuối năm 1973, do chính Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo.

Dù biết thế yếu, hoàn cảnh hung hiểm, nhưng các chiến hạm VNCH vẫn anh dũng khai chiến với lực lượng Trung Cộng. Các chiến sĩ Hải Quân chấp nhận hy sinh vì Hoàng Sa là gia sản mà tiền nhân trao truyền lại cho hậu thế. Dù biết đi vào cửa tử, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn hiên ngang chấp nhận!

Trong khi đó, nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt, lúc đó còn tên gọi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã hoàn toàn câm nín trước việc Trung cộng chiếm đoạt Hoàng Sa. Mãi sau này, qua tiết lộ của một số nhân sự liên hệ đến bộ máy tuyên truyền của Hà Nội trong thời gian xẩy ra biến cố Hoàng Sa, người ta mới biết lúc đó Đảng CSVN giải thích với cán bộ, đảng viên rằng “Hoàng Sa nằm trong tay nước xã hội chủ nghĩa anh em còn tốt hơn là thuộc chính quyền ngụy”!

Hiển nhiên làm sao Đảng CSVN có thể lên tiếng được khi mà Phạm Văn Đồng đã ký công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958, tuyên bố công nhận và tôn trọng chủ quyền của Trung cộng trên vùng biển Đông, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Chấp nhận hiến dâng các hải đảo này cho Bắc Kinh là quyết định của Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đảng CSVN từ những năm 1955, 1956 để được Trung Cộng cung cấp vũ khí, quân dụng để đánh chiếm Miền Nam khi mà con đường hiệp thương thống nhất đất nước không thành.

Hôm nay, 42 năm sau ngày xẩy ra trận hải chiến Hoàng Sa, cuộc diện đã thay đổi mọi mặt. Đảng CSVN đã thôn tính được cả nước nhưng lại lộ rõ bản chất “hèn với giặc, ác với dân” khiến cho toàn dân lên án. Trung Cộng, từ một nước chậm tiến, đã trở thành một cường quốc, và tham vọng bành trướng ngày càng lộ liễu trắng trợn.

Chính sách của Hoa Kỳ đối với vùng Châu Á Thái Bình Dương cũng đã thay đổi sâu xa. Nếu trong các thập niên 1970, 1980, để cô lập Liên Xô, Hoa Kỳ ve vãn Trung Cộng, nên bất động, nếu không muốn nói là khuyến khích Trung Cộng chiếm đoạt Hoàng Sa, thì nay trước sự lớn mạnh đày đe doạ của Trung Cộng, Hoa Kỳ đã chuyển “chuyển trục”, đang nỗ lực ve vãn Vịệt Nam để kềm hãm Trung Cộng.

Với những biến chuyển trên, sự hy sinh của 74 chiến sĩ HQVNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa đã có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.

Sự kiện này là một bằng chứng để xác định với thế giới là “Hoàng Sa là của Việt Nam” và chủ quyền này được xác định bằng máu xương thật sự. Trước những hành động biện minh chủ quyền một cách nguỵ tạo đày trơ trẽn của Trung Cộng, sự hy sinh của 74 chiến sĩ Việt Nam ngày 19 tháng 1 năm 1974 đã minh chứng rõ ràng và hùng hồn nhất cho chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa.

Và biến cố Hoàng Sa cũng nhắc cho chúng ta một bài học quan trọng. Đó là muốn bảo vệ đất nước, biển đảo, dân Việt phải dựa vào chính nội lực của mình. Sự yểm trợ của ngoại bang, dù từ quốc gia nào, khuynh hướng gì, thì cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi của nước họ mà thôi. Và quyền lợi này không phải lúc nào cũng thuận chiều với quyền lợi của đất nước Việt Nam!

Đồng thời, diễn biến trong thời gian qua cũng cho thấy, chừng nào mà VN còn bị tập đoàn CS cai trị thì chừng đó không những không thể đòi lại biển, đảo đã mất, mà còn có thể mất thêm đất biển, như đã chứng minh qua hai hiệp định CSVN ký kết với TC trong các năm 1999 và 2000. Đã có dư luận hy vọng Đại Hội 12 của đảng CSVN sắp diễn ra, nếu cánh này, nhân vật nọ thắng thế thì sẽ dân chủ hóa đất nước. Cần lưu ý là tai họa mà đảng CSVN gây cho dân tộc không phải do nhân sự mà chính là cơ chế. Chừng nào còn cái cơ chế độc tài toàn trị thì dù ai là Tổng Bí Thư, là Thủ Tướng thì hậu quả vẫn vậy, vẫn chỉ là một tập đoàn phản dân hại nước mà thôi!

Việc lấy lại Hoàng Sa là trách nhiệm của Dân tộc Việt. Đây là công cuộc đòi hỏi thời gian và quyết tâm của cả dân tộc. Hiển nhiên trong giai đoạn hiện tại, điều kiện chưa thuận lợi cho nỗ lực này. Một là bá quyền phương Bắc đang ở thời hưng thịnh. Nhưng quan trọng hơn, dân tộc Việt đang trong giai đoạn suy vi vì thành phần “mãi quốc – cầu vinh” đang cai trị đất nước, nên không thể huy động được sức mạnh của đại khối Dân Tộc.

Nhưng lịch sử không chỉ tính một vài năm, một vài thập niên, thậm chí đôi ba trăm năm! Sẽ đến giai đoạn đất nước hưng thịnh. Miễn là dân tộc Việt phải luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam.

Cái chết anh dũng của 74 chiến sĩ ngày 19 tháng Giêng năm 1974 đã và sẽ là một sự kiện để nhắc nhở con dân nước Việt luôn ghi nhớ: Hoàng Sa là của Việt Nam./.

Đoàn Khôi