9.4.15

Ông Nguyễn Phú Trọng mưu tìm gì ở Trung Quốc?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12, 2011. (Ảnh tư liệu).
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm nay đã đặt chân tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày, trong khi quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” vì những hành động hung hãn của quốc gia đông dân nhất thế giới này ở biển Đông.
Tháp tùng ông Trọng lần này có nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, và giới quan sát nhận định, điều đó cho thấy Hà Nội vẫn coi trọng mối bang giao với chính quyền Bắc Kinh.
Khi bàn về một chuyện lớn gì thì trước hết, người ta bàn với ông láng giềng ở cạnh, và bản thân ông láng giềng ấy muốn là người có tiếng nói có trọng lượng nhất. Đấy là nỗi đau khổ của một nước nhỏ ở cạnh một nước khổng lồ. Và cái nước khổng lồ ấy luôn muốn những nước chung quanh phải quy về một mối, là thiên tử, là Trung Quốc...Đấy là thông lệ rồi, và vượt ra khỏi thông lệ đó thì đòi hỏi bản lĩnh của cả một dân tộc.
Đây là chuyến công du cấp cao thứ hai của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới nước lân bang ở phía bắc kể từ năm 2011, và diễn ra trước chuyến thăm đã được thông báo sang Washington.
Giáo sư Tương Lai, một nhà quan sát tình hình chính trị ở trong nước, cho VOA Việt Ngữ biết ông “không bất ngờ” khi ông Trọng sang Trung Quốc trước Hoa Kỳ.
Ông nói: “Khi bàn về một chuyện lớn gì thì trước hết, người ta bàn với ông láng giềng ở cạnh, và bản thân ông láng giềng ấy, ông cũng muốn ông ta phải là người có tiếng nói có trọng lượng nhất. Đấy là nỗi đau khổ của một nước nhỏ ở bên cạnh một nước khổng lồ. Và cái nước khổng lồ ấy luôn luôn muốn những nước chung quanh phải quy về một mối, là thiên tử, là nước Trung Quốc đứng ở giữa. Cái đó nó là từ xa xưa lắm rồi. Đó là một nỗi nhục do vị thế oái ăm về địa chính trị mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Đấy là một thông lệ rồi, và vượt ra khỏi thông lệ đó thì đòi hỏi bản lĩnh của cả một dân tộc.”
Nhân dịp này, báo chí của cả hai nước đã đăng tải nhiều bài viết, phân tích về mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Truyền thông trong nước nhận định rằng chuyến công du của ông Trọng nhằm mục đích “tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung”.
Tân Hoa Xã cũng cho rằng chuyến đi của nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam là “cơ hội tốt đẹp để củng cố mối quan hệ hữu hảo trường tồn với thời gian”.

Hãng tin lớn nhất của Trung Quốc bình luận rằng “thật là ngây ngơ” khi nghĩ rằng Việt Nam và Trung Quốc không bao giờ “tranh cãi” hay “đấu đá nhau” cũng như “mối quan hệ đối tác sâu đậm sẽ sụp đổ vì vụ tranh cãi ở biển Đông”.

Theo Tân Hoa Xã, “các ý kiến diễn giải chuyến đi dự kiến của ông Trọng tới Mỹ là nhằm làm đối trọng với Trung Quốc phảng phất mưu kế và chủ nghĩa đối đầu thời Chiến tranh Lạnh mà đáng lẽ đã bị vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu”.
Trong khi đó, nhận định với VOA Việt Ngữ, giáo sư Tương Lai cho rằng bây giờ là lúc Việt Nam phải củng cố liên minh với các nước như Mỹ.
Ông nói: “Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để cho Việt Nam vượt ra khỏi cái bóng của Trung Quốc, tức là thoát ra khỏi quỹ đạo kìm kẹp của Trung Quốc. Bộ mặt xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam thì nó quá rõ. Đối với khu vực thì nó cũng quá rõ. Đối với biển Đông thì nó quá rõ. Toàn thế giới đều thấy cả. Bây giờ đây, trong mối quan hệ là Mỹ xoay trục sang châu Á thực ra cũng vì lợi ích của nước Mỹ mà thôi. Cũng vì lợi ích dân tộc mà người Mỹ thấy quá rõ bộ mặt của Trung Quốc. Với việc Mỹ xoay trục sang châu Á như thế, thì lợi ích của nước Mỹ đòi hỏi nước Mỹ gắn kết với một số nước ở vùng Đông Nam Á này. Đây là thời cơ nghìn năm có một Việt Nam phải chớp lấy. Để làm gì? Để chống lại âm mưu của Trung Quốc, để mà thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc”.
Bộ mặt xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam thì nó quá rõ. Toàn thế giới đều thấy cả...Với việc Mỹ xoay trục sang châu Á như thế, thì lợi ích của Mỹ đòi hỏi nước Mỹ gắn kết với một số nước ở vùng Đông Nam Á này. Đây là thời cơ nghìn năm có một Việt Nam phải chớp lấy. Để làm gì? Để chống lại âm mưu của Trung Quốc, để mà thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc”.
Năm ngoái, giáo sư Tương Lai cùng hàng chục các đảng viên lão thành là các nhân sỹ, trí thức có tiếng ở trong nước đã viết một bức thư ngỏ gửi Ban chấp hành trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó kêu gọi “nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa” của Việt Nam sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Ngoài việc đưa Trung Quốc ra tòa, các đảng viên lão thành còn gợi ý rằng Việt Nam cần chủ động liên kết với các nước khác.
Bức thư viết: “Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình”.
Sau vụ giàn khoan dầu đã đẩy quan hệ giữa hai nước xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Hà Nội và Bắc Kinh đã thực hiện các chuyến thăm cấp thấp để xoa dịu tình hình, và các nhà quan sát cho rằng, chuyến công du của ông Trọng lần này cũng nhằm mục đích đó.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc Trung Quốc lấn biển, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp, tạo nên “Vạn Lý Trường Thành bằng cát” như theo nhận định của quan chức quân sự Mỹ, nhiều khả năng sẽ nằm cao trong nghị trình.
Nguồn: Tổng hợp